Các nhà khoa học tại Cao Đẳng Hoàng Gia London mới đây đã phát hiện ra khả năng xóa sổ toàn bộ quần thể muỗi mang ký sinh trùng sốt rét trong phòng thí nghiệm bằng cách sử dụng công nghệ biến đổi gen làm chúng mất khả năng sinh sản.
Thí nghiệm biến đổi gen ở muỗi (minh họa)
Nhóm nghiên cứu đã dùng công nghệ “gen drive” (điều khiển di truyền) để phát tán một biến đổi có tính di truyền nhằm ngăn chặn sự sinh sản của muỗi cái trong khi để muỗi đực tiếp tục mang những gen đã biến đổi này. Theo các kết quả được công bố trên tạp chí Nature Biotechnology, quẩn thể muỗi đầu tiên được thí nghiệm đã bị xóa sổ hoàn toàn.
Diệt muỗi bằng biến đổi gen – Bước tiến có tính đột phá
Chủng muỗi được thử nghiệm là loài muỗi Anopheles, kẻ trung gian lây truyền bệnh sốt rét ở châu Phi trong khu vực cận Sahara. Có khoảng 3.500 loài muỗi trên toàn thế giới, trong đó 40 loài có thể mang bệnh sốt rét, theo như bài báo đưa tin.
Muỗi Anopheles
Trong năm 2016, Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) cho biết có khoảng 216 triệu ca sốt rét, trong đó có 445.000 ca tử vong trên toàn thế giới, phần lớn nạn nhân là trẻ em dưới năm tuổi.
Giáo sư Andrea Crisanti, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Bước đột phá này cho thấy rằng công nghệ “gen drive” có thể được đưa vào sử dụng thực tiễn, tăng thêm hy vọng trong cuộc chiến chống lại căn bệnh đã cản trở nhân loại trong nhiều thế kỷ.”
Vẫn cần thêm thời gian thử nghiệm
Ông cũng nói thêm: “Vẫn còn ít nhất 5-10 năm nữa, trước khi chúng tôi xem xét thử nghiệm công nghệ này với loài muỗi trong tự nhiên,” “nhưng bây giờ chúng tôi có một số bằng chứng đáng khích lệ rằng chúng tôi đang đi đúng hướng.” “Các giải pháp biến đổi gen có tiềm năng trong một ngày nào đó có thể đảy lùi bệnh sốt rét ở các nước nghèo.”
Giáo sư Andrea Crisanti (bên phải)
Nhóm nghiên cứu đã biến đổi nhắm vào một gen của muỗi có tên gọi “doublesex” để xác định xem muỗi mang gen này sẽ phát triển thành một con đực hay một con cái.
Kết quả cho thấy các con đực mang gen biến đổi không có gì thay đổi; tuy nhiên, nhiều con cái trong số được thí nghiệm đã có cả tính đực và cái, chúng không hút máu và không đẻ trứng. (Bạn cần biết rằng muỗi đực không hút máu, chỉ có muỗi cái mới hút máu để có nguồn protein phục vụ việc sinh sản). Sau khoảng tám thế hệ, không có con cái nào được sinh ra và do đó, quần thể muỗi bị xóa sổ.
Bước tiếp theo của nhóm nghiên cứu sẽ là thử nghiệm công nghệ này trong phòng thí nghiệm có điều kiện giống như môi trường nhiệt đới, Giáo sư Crisanti nói.
Theo hãng tin Agence France Press, nhà tài trợ chính cho nghiên cứu này là Quỹ Bill & Melinda Gates đã đổ vào gần 100 triệu đô la để phát triển công nghệ “gen drive”, đặc biệt là thông qua tổ chức nghiên cứu Target Malaria – với mục tiêu đẩy lùi các dịch bệnh.
Nguồn tin: usatoday.com 25/09/2018
Trả lời